\r\n Cây ngải cứu (Artemisia vulgaris L.), thuộc họ Cúc Asteraceae, là cây thuốc truyền thống của các quốc gia phương Đông, được sử dụng rộng rãi trong nhiều bài thuốc dân gian từ xa xưa ở Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc có tác dụng điều hòa khí huyết, an thai, đau nhức xương khớp, dùng trong các trường hợp tai biến mạch máu, góp phần phục hồi chức năng, điều trị các chứng đau đầu, đau mỏi cánh tay… cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ dược liệu nào có thể thay thế được.

\r\n

\r\n Các nghiên cứu gần đây từ các tài liệu nước ngoài cho thấy lá ngải cứu chứa một số hợp chất có hoạt tính sinh học có tác dụng lưu thông khí huyết, khả năng ức chế rất tốt sự tăng trưởng của các tế bào ung thư vú và ung thư cổ tử cung, kháng khuẩn, kháng viêm. Nhiều sản phẩm hiện đại sử dụng dịch chiết từ ngải cứu đang rất được quan tâm như: “Ích mẫu khang”, “Eva care”, “Điếu ngải”, mặt nạ dưỡng chất “Worm Wood”. Do lợi thế từ nguồn ngải cứu tự nhiên phong phú nên giống cây này ít được quan tâm, chú trọng nghiên cứu phát triển. Chính vì vậy, nguồn dược liệu không chủ động và khó kiểm soát chất lượng. Nhằm khai thác hiệu quả trên cơ sở khoa học các giá trị sử dụng của cây ngải cứu, được sự cho phép của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ môn Cây công nghiệp và cây thuốc, khoa Nông học triển khai đề tài “Thu thập và đánh giá nguồn gen phục vụ chọn giống ngải cứu (Artemisia vulgaris L.) chất lượng cao” do TS. Ninh Thị Phíp cùng cộng sự thực hiện trong 2 năm (2013 - 2015). Các mẫu giống ngải cứu được thu thập tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam và được trồng, nghiên cứu đánh giá tại Gia Lâm - Hà Nội.

\r\n

\r\n

\r\n

\r\n Sau 2 năm thực hiện, đề tài đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Lần đầu tiên xây dựng được vườn tập đoàn với cơ sở dữ liệu của 14 mẫu giống trong đó có 1 mẫu giống (G4) thuộc loài Astemisia lactiflora Wall, 13 mẫu giống còn lại thuộc Astemisia vulgaris L. Ở hệ số tương đồng 0,31, 13 mẫu giống được chia làm 8 nhóm với nhiều đặc tính khác biệt. Đề tài cũng đã lựa chọn được giống ngải cứu và quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc thu hái phù hợp đảm bảo chất lượng với từng mục đích sử dụng: Nhóm giống làm rau ăn (G2, G7) có tỷ lệ tinh dầu thấp (0,21% - 0,25%), hàm lượng flavonoid thấp, ít đắng, tỷ lệ lá/ thân cao. Nhóm giống làm dược liệu (G6) có hàm lượng tinh dầu khá, tỷ lệ chất xơ vừa, thích hợp làm điếu ngải, sử dụng lá để massage, làm trà thực phẩm chức năng. Hoa của giống G6 có thể làm gối, có mùi thơm tự nhiên giúp thư giãn, giảm stress, có thể sử dụng được 5-7 tháng. Kết quả của đề tài cũng đã mở ra hướng mới trồng ngải cứu (G13 và G14) có hàm lượng tinh dầu (0,58%), và flavonoid (9000mg/ 100g chất khô) cao để chiết xuất tinh dầu và flavonoid cung cấp nguồn nguyên liệu làm thuốc hoặc thực phẩm chức năng rất có giá trị cho người và động vật nuôi.   

\r\n